Giá rớt mạnh, vàng ‘cháy hàng’
Trong ngày đầu tiên SJC và 4 ngân hàng thực hiện bán vàng, cảnh tượng xếp hàng, bán định mức, hết hàng lại tái diễn khi vàng miếng SJC xuống dưới 80 triệu đồng/lượng. Chiều 3.6, khi Công ty SJC và 4 ngân hàng (NH) thương mại nhà nước bắt đầu chính thức bán vàng cho người dân, nhiều người đổ xô đến các điểm giao dịch xếp hàng mua vàng.
Tái diễn xếp hàng, bán định mức, hết vàng Khảo sát từ đầu giờ sáng cũng như đầu giờ chiều tại Công ty SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM) cho thấy lượng khách hàng đến tăng vọt, bãi xe chật kín, tràn ra cả lề đường. Do nhu cầu quá lớn, chỉ sau hơn 1 tiếng đồng hồ, công ty phải treo bảng “tạm dừng giao dịch” từ bãi xe. Riêng những khách hàng đã vào bên trong thì chỉ được mua hạn chế mỗi người 3 lượng vàng. Những người có nhu cầu nhiều hơn, phía công ty nhận đặt cọc 50% và khách quay lại vào hôm sau nhận vàng.
Current Time0:00 / Duration8:48 Auto Chờ diễn biến mới của giá vàng: Liệu có tiếp tục giảm sâu? Tương tự, tại VietinBank chi nhánh Hàm Nghi (Q.1, TP.HCM), chỉ trong vòng 1 giờ, NH này đã dừng phát số cho khách hàng đến mua vàng. Nhân viên ở đây cho biết lượng khách đăng ký đã hết 150 lượng mà đơn vị nhận được nên phải tạm dừng. Còn khách đến mua vàng ở BIDV chi nhánh TP.HCM (Q.1, TP.HCM) phải ghi phiếu đề nghị từ bên ngoài và ngồi chờ đến lượt giao dịch. Theo nhân viên BIDV, lượng vàng được phân bổ về chi nhánh là 220 lượng và NH đã bán hết cho khách hàng đến mua trong chiều 3.6. BIDV đã bố trí nhân viên ghi nhận nhu cầu mua vàng của khách hàng để có thể quay trở lại trong ngày mai (4.6).
Khách hàng xếp hàng mua vàng tại Công ty SJC (Q.1, TP.HCM) chiều 3.6 ĐÀO NGỌC THẠCH Trong ngày hôm qua, giá vàng giảm mạnh hơn 3 triệu đồng mỗi lượng. Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chốt giá bán vàng cho 4 NH thương mại nhà nước và công ty SJC ở mức giá 78,98 triệu đồng/lượng, các đơn vị này đồng loạt công bố giá bán ra 79,98 triệu đồng/lượng (cao hơn giá bán của NHNN 1 triệu đồng/lượng). Các NH chỉ bán vàng, không mua vàng. Riêng Công ty SJC là vừa mua và bán vàng nên mức giá mua vào giảm về 77,98 triệu đồng/lượng. Đồng loạt các đơn vị kinh doanh vàng khác cũng kéo giá xuống mạnh như Bảo Tín Minh Châu mua vào còn 78 triệu đồng, bán ra 79,98 triệu đồng; Tập đoàn Doji mua vào còn 77,5 triệu đồng, bán ra 79,5 triệu đồng…
Với đà sụt giảm khá mạnh, giá vàng miếng hiện cao hơn thế giới 8,4 triệu đồng/lượng. Trả lời Thanh Niên, ông N.V.Y, người đang xếp hàng chờ mua vàng tại BIDV chi nhánh TP.HCM, chia sẻ ông theo dõi vàng từ lâu, nay thấy giá về dưới 80 triệu đồng/lượng nên quyết mua 1 lượng làm kỷ niệm. “Giá vàng miếng cao hơn thế giới 7 – 8 triệu đồng/lượng là có thể chấp nhận được”, ông chia sẻ. Chiều 3.6, Tổng giám đốc Công ty SJC Lê Thúy Hằng cho biết công ty đưa ra thị trường 2.000 lượng vàng miếng, nhưng số lượng bán trong ngày đã vượt qua con số này.
Thế nên, công ty đành phải giới hạn mỗi người 3 lượng vàng/giao dịch. Khách mua trên 3 lượng có thể đặt cọc 50%, SJC sẽ báo cáo số lượng với NHNN và sẽ được cung ứng vào phiên tiếp theo. “Mỗi ngày, NHNN sẽ quyết định bán giá bình ổn 2 phiên sáng và chiều, mỗi phiên khi đưa ra bán đều căn cứ vào giá thế giới và tỷ giá của Vietcombank để có mức giá bình ổn. Giá bán ra được niêm yết theo chỉ đạo của cơ quan quản lý còn giá mua vào thì phụ thuộc vào cung cầu thị trường, từ đó SJC sẽ xin ý kiến để điều chỉnh cho kịp thời với thực tế.
Với các giao dịch dưới 400 triệu đồng yêu cầu cung cấp căn cước công dân, trên 400 triệu đồng còn phải báo cáo hệ thống phòng chống rửa tiền của NHNN”, bà Hằng nói. Các ngân hàng bán vàng cộng thêm 1 triệu đồng/lượng có hợp lý ? Giá bán vàng miếng của 4 NH và công ty SJC hôm qua cao hơn giá mua từ NHNN 1 triệu đồng/lượng, trong khi trước đó thì các NH đều công bố tham gia bán vàng không lợi nhuận, khiến nhiều người thắc mắc.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, lý giải việc 4 NH thương mại nhà nước bán ra cao hơn giá mua từ NHNN 1 triệu đồng có thể là phòng ngừa rủi ro biến động giá và cộng thêm chi phí vận chuyển, nhân sự. Vì theo như thông báo thì các NH này mua vàng trực tiếp từ cơ quan quản lý và bán ra cho người dân. Nên cũng có thể khi đã mua nhưng lượng bán ra không hết và sau đó giá vàng thế giới thay đổi thì các NH cũng sẽ gặp rủi ro nên họ sẽ có tâm lý phòng ngừa. “Việc bán vàng trực tiếp của NHNN rõ ràng có hiệu quả hơn hoạt động đấu thầu vàng miếng trước đây.
Bởi điều này là cung vàng trực tiếp ra thị trường, đáp ứng nhu cầu cho người mua. Chính vì vậy, ngay từ khi mới công bố thì giá vàng miếng SJC đã giảm mạnh. Giải pháp của NHNN đưa giá vàng trong nước giảm mạnh và chỉ còn đắt hơn thế giới trên 8 triệu đồng/lượng là đạt được mục tiêu trong thời gian đầu. Nhu cầu mua vàng trên thị trường có thể còn cao khi giá vàng thế giới vẫn được dự báo có thể còn tăng. Bên cạnh đó, các kênh đầu tư truyền thống của người dân VN chưa khởi sắc cũng như lãi suất tiết kiệm vẫn ở mức thấp.
Do đó, không thể đưa giá vàng trong nước về sát ngay thế giới mà chúng ta phải chấp nhận giá vàng trong nước và thế giới có sự chênh lệch nhất định, và sẽ hạ dần theo thời gian mà lượng vàng được NHNN cung ra, cũng như người dân bắt đầu chuyển qua các kênh khác như gửi tiền NH, mua bất động sản, chứng khoán …”, ông Hiển nói. Cũng theo ông Hiển, quan trọng là NHNN cần duy trì lượng cung đều đặn cho thị trường để đảm bảo không xảy ra tình trạng mức chênh lệch trong nước với quốc tế rút ngắn một vài ngày rồi sau đó tăng cao trở lại như trước đây. Sau một thời gian xử lý, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đưa về khoảng 2 – 4 triệu đồng/lượng là hợp lý.
Người dân mua vàng tại Công ty SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM) chiều 3.6 Đào ngọc thạch Đồng tình, chuyên gia về thị trường tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng các NH thương mại nhà nước dù công bố bán vàng không lợi nhuận nhưng cũng sẽ tốn chi phí về hệ thống, nhân lực… Do vậy họ sẽ cộng với một biên độ nhất định từ giá bán ra của NHNN. Giải pháp NHNN bán vàng trực tiếp cho 4 NH thương mại và SJC đã có hiệu quả hơn giải pháp đấu thầu vàng. Chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế đã được thu hẹp đáng kể.
Còn giá vàng trong nước có giảm nữa hay không thì sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đó là giá vàng thế giới biến động như thế nào, tỷ giá hối đoái cũng như giá bán ra của NHNN trong những ngày tới. Ngoài ra, theo vị chuyên gia, còn một yếu tố khác là nhu cầu thị trường sẽ như thế nào khi giá vàng giảm mạnh. Trong những ngày đầu NHNN phải theo dõi và xem xét để cân đối, cung ứng vàng ra thị trường. Do vậy có thể trong vài tuần hoặc 1 – 2 tháng để thị trường làm quen với giải pháp này thì mới đánh giá được hiệu quả thật sự trong việc kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế. Nhận định thêm, ông Khánh cho rằng nếu giá thế giới giảm thì đó sẽ là cơ hội tốt để NHNN mạnh tay kéo giá trong nước xuống nhiều hơn.
Lượng vàng bán ra đáp ứng đủ nhu cầu hay không ? Tình trạng SJC hay một số NH thương mại nhà nước được mua vàng trực tiếp từ NHNN để bán lại cho người dân đã không đáp ứng được nhu cầu trong hôm qua khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu trong những ngày tới các đơn vị có đủ vàng bán ra hay không? Chuyên gia tài chính NH Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Giải pháp của NHNN bán vàng trực tiếp hiện nay chỉ có thể thành công với mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với thế giới khi hội đủ các điều kiện. Trong đó, giá bán vàng của NHNN phải tiệm cận với thế giới và khối lượng đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nếu thiếu một trong hai điều kiện trên thì rất khó rút ngắn chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế.
Hiện nay, giá vàng bán ra của NHNN đã giảm mạnh và kéo theo giá vàng trên thị trường đi xuống. Tuy nhiên, khối lượng bán ra trong những ngày tới có lặp lại tình trạng hết hàng hay không? Nếu các đơn vị bán hàng giới hạn thì lại càng tạo ra tâm lý “khan hiếm” trong người dân. Từ đó lại thúc đẩy nhiều người vội vàng đi mua vàng, khiến nhu cầu tăng đột biến. Trường hợp này kéo dài thì giá vàng có thể bật lại như trước đây khi các phiên đấu thầu vàng không thành công, khiến giá vàng trong nước càng đắt đỏ hơn thế giới so với trước đó. Khi đó, giá vàng trong nước giảm không bền vững, không mang tính thị trường. Vì vậy, NHNN cần phải xem xét và có chính sách dài hạn về nhập khẩu vàng, cho phép các công ty có đủ điều kiện nhập khẩu và kinh doanh theo thị trường. Trong khi đó, theo TS Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM), bước đầu NHNN đã thành công trong việc kéo giảm giá vàng trong nước như mục tiêu đề ra.
Điều quan trọng là không biết số lượng bán ra thị trường có đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng trong những ngày tới hay không? Nếu giá bán của NHNN ở mức thấp nhưng khối lượng ít, khách đến mua không có vàng thì giá vàng trên thị trường sẽ khó giảm mạnh. Một khả năng khác là giá bán thấp và khối lượng cung ra thị trường nhiều đủ để hấp thụ lực cầu lớn, lúc này giá vàng sẽ giảm. Tuy nhiên, giải pháp bán vàng trực tiếp từ NHNN qua các NH thương mại và SJC cũng chỉ là giải pháp tình thế, cần có giải pháp mang tính lâu dài. TS Nguyễn Hữu Huân nêu vấn đề: Liệu NHNN muốn cho giá vàng dao động trong một biên độ nhất định như tỷ giá hối đoái hay không? Các NH thương mại sẽ bán vàng trong biên độ quy định.
Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục thực hiện cung ứng vàng trong những thời điểm nhu cầu lên cao. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không có hiệu quả dài hạn bởi giống như tỷ giá hối đoái. Khi lượng cung không đủ cầu thì người dân lại không mua được vàng ở các NH thương mại hay SJC mà phải đến các tiệm vàng khác hay phải trả giá cao hơn khi muốn mua được vàng?