Cách Instagram ‘chiều hư’ một đầu bếp
Công thức, cách trang trí món ăn đầy rẫy mạng xã hội. Nhiều người cho rằng điều này sẽ khiến thế hệ đầu bếp mới lười sáng tạo và mất đi tính cá nhân,.
Những đầu bếp hàng đầu lo lắng ẩm thực bị chi phối bởi mạng xã hội. Ảnh: Beta KL.
Những đầu bếp hàng đầu lo lắng ẩm thực bị chi phối bởi mạng xã hội. Ảnh: Beta KL.
Noma (ở Copenhagen, Đan Mạch) nhiều năm liền được vinh danh là nhà hàng tốt nhất thế giới, theo chuyên trang đánh giá The World 50 Best. Người ta ngưỡng mộ nhà hàng này không chỉ bởi những món ăn ngon đáng kinh ngạc, mà còn bởi René Redzepi – vị bếp trưởng xuất chúng, nổi tiếng với những món mang hương vị Bắc Âu.
Redzepi truyền cảm hứng nấu nướng cho nhiều thế hệ đầu bếp trẻ. Tuy nhiên, với cái bóng quá lớn của anh, hàng loạt “Redzepi bản dupe” ra đời. Đây là biểu hiện cho một hiện tượng đáng lo ngại trong ngành ẩm thực: Đầu bếp sao chép công thức thành công của người khác, lười sáng tạo, mất tính cá nhân và chịu ảnh hưởng của những tung hô trên mạng xã hội, theo SCMP.
Khi những đầu bếp sao chép thay vì học hỏi
“Hãy đến một thị trấn nhỏ ở Tây Ban Nha hoặc một vùng xa xôi của Bali (Indonesia), bạn sẽ thấy một đầu bếp đang cố gắng làm điều gì đó mới mẻ, nhưng thực ra đó là sự sao chép theo phong cách Bắc Âu. Họ muốn trở thành René Redzepi, nhưng dĩ nhiên, họ không phải là anh ấy”, đầu bếp Ángel León tại nhà hàng 3 sao Michelin Aponiente (Tây Ban Nha) nói.
René Redzepi, chủ nhà hàng Noma, chụp ảnh trước cửa nhà hàng. Ảnh: @nomacph.
René Redzepi, chủ nhà hàng Noma, chụp ảnh trước cửa nhà hàng. Ảnh: @nomacph.
Ông không phải là đầu bếp duy nhất thất vọng trước sự giống nhau đến đáng buồn của ẩm thực toàn cầu.
Andoni Luis Aduriz (nhà hàng 2 sao Michelin Mugaritz, Tây Ban Nha), hiện đứng thứ 5 trong danh sách Đầu bếp xuất sắc toàn cầu, cũng lo ngại về hiện tượng bắt chước, thiếu sáng tạo ngày càng tăng trong các nhà hàng trên khắp thế giới.
“Với sự bùng nổ của mạng xã hội, nền tảng kỹ thuật số và trào lưu livestream, một số đầu bếp trẻ dễ bị mê hoặc bởi những xu hướng mới trong ẩm thực được lan truyền trên không gian mạng. Việc này có thể khiến họ mất đi cái nhìn riêng và tính sáng tạo trong nghệ thuật nấu ăn”, Aduriz cho hay.
Những món ăn tại nhà hàng tốt nhất thế giới Noma được chuẩn bị một cách tinh tế và trang trí đẹp mắt, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ đầu bếp. Ảnh: @nomacph.
Những món ăn tại nhà hàng tốt nhất thế giới Noma được chuẩn bị một cách tinh tế và trang trí đẹp mắt, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ đầu bếp. Ảnh: @nomacph.
Những món ăn tại nhà hàng tốt nhất thế giới Noma được chuẩn bị một cách tinh tế và trang trí đẹp mắt, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ đầu bếp. Ảnh: @nomacph.
Những món ăn tại nhà hàng tốt nhất thế giới Noma được chuẩn bị một cách tinh tế và trang trí đẹp mắt, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ đầu bếp. Ảnh: @nomacph.
Những món ăn tại nhà hàng tốt nhất thế giới Noma được chuẩn bị một cách tinh tế và trang trí đẹp mắt, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ đầu bếp. Ảnh: @nomacph.
Trên thực tế, việc các đầu bếp lấy cảm hứng hoặc học hỏi lẫn nhau không có gì lạ lẫm hay sai trái. Năm 1903, cuốn sách Le Guide Culinaire (tạm dịch: Hướng dẫn cách nấu ăn) của Georges Auguste Escoffier với hơn 5.000 công thức nấu nướng chính là “sách giáo khoa” cho người làm ẩm thực Pháp.
Trong khi đó, vào những năm 1980, sách của các nhà ẩm thực vĩ đại như Pierre Gagnaire, Joel Robuchon và Michel Guerard do Flammarion xuất bản cũng ảnh hưởng rộng rãi đến cách chế biến và trang trí món ăn của nhiều thế hệ đầu bếp.
Tuy nhiên, điều mà Aduriz và León lo ngại là tốc độ “lây lan”, sao chép ẩm thực quá nhanh trong thế giới toàn cầu hóa.
“Mạng xã hội ngày nay đang ảnh hưởng trực tiếp đến cách các đầu bếp trình bày món ăn của họ. Instagram có thể được so sánh với Flammarion nhưng tốc độ lan truyền lớn hơn nhiều. Thay vì những người đầu bếp đi sâu vào cá tính riêng của mình, nhiều người đang làm theo những tài liệu tham khảo mới này”, Aduriz chia sẻ.
Ranh giới
Đối với một số đầu bếp, việc theo bước người khác là một phần cần thiết trong quá trình phát triển cá tính ẩm thực độc đáo của riêng mình.
Maksut Askar, đầu bếp tại nhà hàng Michelin Neolokal (Thổ Nhĩ Kỳ), cho biết: “Tôi cũng đã có lúc mải mê nhìn người khác và không thành thật với chính mình. Nhưng sau cùng tôi nhận ra chúng ta phải tìm ra điều không muốn trước, sau đó bắt đầu tìm ra con đường riêng cho mình”.
Giờ đây, anh tránh đọc sách dạy nấu ăn vì muốn giữ “cá tính trong sáng và rõ ràng” trong việc nấu ăn. Anh chỉ tìm đến sách tham khảo để biết thông tin về kỹ thuật.
Đầu bếp Maksut Askar (ảnh trái) và Alberto Landgraf đưa quan điểm về việc học hỏi phong cách trong ẩm thực. Ảnh: Neolokal, Rodrigo Azevedo.
Đầu bếp Maksut Askar (ảnh trái) và Alberto Landgraf đưa quan điểm về việc học hỏi phong cách trong ẩm thực. Ảnh: Neolokal, Rodrigo Azevedo.
Đầu bếp Maksut Askar (ảnh trái) và Alberto Landgraf đưa quan điểm về việc học hỏi phong cách trong ẩm thực. Ảnh: Neolokal, Rodrigo Azevedo.
Trong khi đó, Alberto Landgraf, đầu bếp tại nhà hàng 2 sao Michelin Oteque (Brazil), có quan điểm tích cực về việc mạng xã hội ảnh hưởng đến ẩm thực. Ông cho rằng những tác động đó là không thể tránh khỏi.
Trong quá khứ, thông tin chỉ giới hạn cho những người may mắn có dịp đi du lịch và có rất ít mạng lưới đầu bếp. Nhưng ngày nay, ông thường xuyên liên lạc với các đầu bếp bạn ở Canada, Nhật Bản và nơi khác để thảo luận về kỹ thuật nấu ăn hoặc phương pháp tiếp cận.
“Trước đây, các đầu bếp sẽ giấu công thức nấu ăn của mình. Nhưng giờ đây, chúng tôi tự tin đăng cách chế biến riêng lên Instagram để mọi người biết đó là sức sáng tạo của chúng tôi. Mọi thứ chắc chắn sẽ được sao chép, vì vậy bạn cần phải chứng tỏ mình là người đầu tiên làm ra chúng”, ông nói.
Ngoài ra, khi các phong cách ẩm thực trở nên gần nhau hơn, các đầu bếp có thể tạo ra sự khác biệt nhờ yếu tố vùng miền. Chính sự độc đáo trong hương vị, nguyên liệu, cách chế biến “cộp mác” địa phương tạo nên sự thú vị không thể trộn lẫn. Không khách hàng nào mong muốn đến một nơi có món ăn “na na” một điểm khác từng qua.
Chúng ta không thể ngăn chặn việc toàn cầu hóa tác động đến ẩm thực, song có thể chọn cách tận dụng tối đa lợi ích của mạng xã hội và cân nhắc kỹ lưỡng giữa những tác động tích cực – tiêu cực của chúng.
Mục Du lịch – Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.