Gần 70% người Việt ‘phát cuồng’ với các trào lưu ăn uống
Một báo cáo về kinh doanh ẩm thực cho thấy cứ 3 người Việt thì có ít nhất 2 người “đu trend” ẩm thực đường phố.
Theo Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 do iPOS, công ty cung cấp giải pháp quản lý nhà hàng, cafe, phát hành cuối tháng 3, cứ 3 người Việt thì có ít nhất 2 người “đu trend” ẩm thực đường phố, cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ cuả các trào lưu ẩm thực hiện nay.
Năm 2023, cà phê muối chiếm vị trí số 1 trong các xu hướng ẩm thực mới tại Việt Nam với gần 35% người lựa chọn. Đứng thứ hai là trà mãng cầu với 19,5% thực khách lựa chọn, tiếp đến là trà ô long đậm vị, gỏi gà măng cụt, trà sữa nướng Vân Nam (trà sữa đất nung), bánh đồng xu và trà chanh giã tay.
Bánh đồng xu – một trong 10 xu hướng ẩm thực đường phố nổi tiếng nhất Việt Nam 2023. Ảnh: Ngọc Ngân
Dữ liệu được công bố sau khi khảo sát 3.000 nhà hàng, quán café; 4.000 thực khách trên toàn quốc; phỏng vấn gần 100 chuyên gia cùng các dữ liệu của các đơn vị nghiên cứu thị trường uy tín.
Báo cáo nhận xét gây nhiều tiếc nuối nhất trong các trào lưu ẩm thực đường phố Việt 2023 là bánh đồng xu. Để mở bán món ăn này chủ đầu tư bỏ ra số tiền không nhỏ để đầu tư thiết bị sản xuất (4-6 triệu một máy làm bánh) và nhập nguyên liệu đắt, như phô mai Mozzarella. Tuy nhiên, trào lưu lại không kéo dài lâu.
Khó khăn về kinh tế được chỉ ra không làm ảnh hưởng thói quen “đi café” của người Việt. Hơn 42% người Việt cho biết đi café 1-2 lần một tháng, 30% đi với tần suất 1-2 lần một tuần, tăng gần 10% so với năm 2022. Mức chi tiêu phổ biến nhất cho mỗi lần đi café là 41.000-70.000 đồng. Những cặp đôi đang hẹn hò tích cực đi café hơn những người có gia đình, với tần suất nhiều gấp 4 lần.
Thực khách uống trà sữa đất nung tại một quán ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Thực khách Việt đang quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe bằng cách giảm lượng đường trong đồ uống. 33% người khảo sát chọn đồ ít ngọt và 4.7% không thêm đường vào đồ uống. Xu hướng này gần như đồng đều ở cả ba miền.
Dù vậy, tỷ lệ bỏ bữa sáng của người Việt đang cao gấp đôi so với năm 2022 khi chỉ 5,4% người được hỏi chi “mạnh tay” cho bữa sáng và 17,5% nhịn ăn. Lý giải cho điều này, nhiều người cho rằng “bỏ bữa sáng và ăn bữa trưa no hơn, để tiết kiệm một phần nhỏ chi tiêu hàng ngày”. Người đã kết hôn thường chú trọng vào bữa sáng hơn so với nhóm còn lại (độc thân, đang hẹn hò).
Năm 2023 chứng kiến người Việt chịu chi nhiều hơn cho bữa trưa với gần 50% người được hỏi chi 31.000-50.000 đồng để ăn uống; tăng 5% so với năm 2022. Đối với mức chi tiêu 51.000 – 70.000 đồng, tỷ lệ người Việt lựa chọn có thay đổi nhẹ, tăng gần 2% so với năm 2022. Khoảng chi tiêu từ 70.000 đồng có mức tăng lớn, số lượng người Việt lựa chọn tăng gần gấp 2 so với năm trước. Số thực khách chi cho bữa tối hơn 100.000 đồng cũng tăng gần 4 lần so với 2022.
Người Việt cũng đang có xu hướng ăn ngoài thường xuyên hơn với hơn 17% thực khách được hỏi ăn hàng mỗi ngày. Gần 30% ăn ngoài 3-4 lần một tuần trong khi năm 2022 con số là gần 18%.